Nghệ thuật trực quan Văn hóa Nga

Kiến trúc

Bài chi tiết: Kiến trúc Nga
Đại Cung điện Kremlin

Kiến trúc Nga khởi đầu từ những công trình gỗ thủ công của người Xlavơ cổ. Một số đặc điểm bắt nguồn từ đền thờ đa thần của người Xlavơ là trang trí bên ngoài và số lượng lớn các tòa tháp. Trong vài thế kỷ kể từ sự kiện Ki-tô hóa Kievan Rus', kiến trúc Nga chịu ảnh hưởng chủ đạo từ kiến trúc Byzantine, điều này kết thúc khi thành Constantinople thất thủ. Cùng với các tòa thành bao (kremlin), công trình bằng đá chủ yếu của người Rus' cổ là các nhà thờ Chính thống giáo, nổi bật với nhiều mái vòm và thường được mạ vàng hoặc sơn sáng màu. Aristotle Fioravanti và các kiến trúc sư Italia đã mang phong cách Phục Hưng tới nước Nga. Thế kỷ 16 chứng kiến sự phát triển của nhà thờ mái lều độc đáo mà đỉnh cao là Đại giáo đường Thánh Basil. Thời điểm này, thiết kế mái vòm hình củ hành cũng đạt tới sự phát triển toàn diện. Thế kỷ 17, phong cách trang trí kiểu "ngọn lửa" nở rộ ở Moskva và Yaroslavl, dần mở đường cho kiến trúc baroque Naryshkin phát triển trong những năm 1690. Sau cuộc cái cách của Pyotr Đại đế, nước Nga gần gũi hơn với văn hóa phương tây, phong cách kiến trúc tại Nga nhìn chung cũng thay đổi theo hướng Tây Âu.

Kiến trúc theo phong cách rococo thế kỷ 18 mang tới những tác phẩm lộng lẫy của Bartolomeo Australia và học trò. Dưới triều tại của nữ hoàng Ekaterina Đại đế và cháu trai Alexander I, thành phố Saint Petersburg chuyển mình thành một bảo tàng kiến trúc tân cổ điển ngoài trời. Nửa sau thế kỷ 19 là thời kỳ thống trị của phong cách Byzantine và Phục hưng Nga (tương ứng với phong cách Phục hưng Gothic ở Tây Âu). Phong cách thịnh hành ở thế kỷ 20 là Art Nouveau - Tân nghệ thuật (Fyodor Shekhtel), Constructivism - xu hướng tạo dựng (Moisei Ginzburg và Victor Vesnin), và phong cách Đế chế Stalin (Boris Iofan). Sau khi Stalin qua đời, lãnh đạo mới của Liên Xô - Nikita Khrushchev - chỉ trích sự "thừa thãi" của phong cách kiến trúc cũ, và ở cuối thời Xô viết, kiến trúc Liên Xô chịu sự chi phối của Chủ nghĩa Công năng (functionalism). Hiện trạng này giúp phần nào giải quyết vấn đề nhà ở, nhưng cũng hình thành nên hàng loạt công trình có chất lượng kiến trúc thấp, tương phản rõ rệt với kiến trúc hào nhoáng trước đây. Khi Liên bang Xô viết sụp đổ, tình hình đã khá hơn. Nhiều nhà thờ bị phá bỏ thời Liên Xô đã được dựng lại, cùng với hàng loạt công trình lịch sử bị hư hại thời Thế chiến II đã được tu bổ. Xét về khía cạnh kiến trúc nguyên bản, nước Nga ngày nay không có phong cách chung nào, mặc dầu phong cách quốc tế có ảnh hưởng rất lớn.

Một số công trình kiến trúc tiêu biểu của Nga:

Thủ công mỹ nghệ

Búp bê Matryoshka là loại búp bê lồng nhau của Nga. Một bộ búp bê Matryoshka bao gồm một hình nhân vật bằng gỗ có thể tách rời để lộ ra hình nhân vật ở giống hệt, nhưng nhỏ hơn, nằm ở bên trong. Tiếp tục tách nhân vật thứ hai này, sẽ lại thấy một nhân vật thứ ba khác bé hơn ở bên trong... Số lượng nhân vật nằm bên trong thường là sáu hoặc nhiều hơn. Hình dạng chủ yếu là dạng hình trụ, tròn ở phần đầu phía trên và thon dần về phía dưới đáy. Các búp bê thường không có mũi (ngoại trừ những búp bê được sơn màu). Nghệ thuật thực sự nằm ở việc sơn màu mỗi búp bê, một công việc cực kỳ công phu. Chủ đề thường là cô gái nông dân mặc trang phục truyền thống, nhưng cũng có thể là bất cứ thứ gì, ví dụ như truyện cổ tích hoặc lãnh tụ Liên Xô.

Một số đồ thủ công nổi tiếng khác của Nga bao gồm phong cách trang trí gỗ khokhloma, đồ chơi Dymkovo, đồ gốm trắng-xanh gzhel, tranh Zhostovo, đồ chơi Filimonov, trứng Phục Sinh pisanka, khăn choàng Pavlovo Posad, đồ lễ Rushnyk, và tiểu họa palekh.

  • Ấm samovar theo phong cách trang trí Gzhel.
  • Búp bê Matryoshka trong một một khu chợ.
  • Búp bê Matryoshka
  • Một bức tranh Khokhloma vẽ trên chiếc thớt.
  • Đồ chơi Dymkovo trưng bày trong một cửa hàng.
  • Tranh Zhostovo
  • Đồ chơi Filimonovo
  • Một chiếc hộp sơn bóng loáng trang trí bằng một bức tiểu họa Kholuy vẽ thành phố Suzdal.
  • Tranh Permogorsk trên gỗ.

Tranh tượng

Tranh tượng Nga thường là các bức vẽ trên gỗ với kích thước nhỏ, mặc dù ở một số nhà thờ và tu viện tranh tượng có thể lớn bằng cả mặt bàn. Nhiều gia đình theo tôn giáo ở Nga treo tranh tượng vào krasny ugol, có nghĩa là cái góc "đỏ" hoặc "đẹp". Những tranh tượng này gắn liền với lịch sử xa xưa và hệ biểu tượng tôn giáo đầy phức tạp. Trong nhà thờ Nga, gian giữa của giáo đường thường được tách khỏi ban thờ bằng một iconostasis (tiếng Nga ikonostás) - một bức tường thánh tượng. Tranh tượng ở Nga chứa đựng mong muốn giúp mọi người đạt được ước nguyện mà không cần trực tiếp chiêm bái nhân vật thể hiện qua tranh tượng. Bộ sưu tập nghệ thuật tranh tượng hoành tráng nhất lưu giữ ở nhà trưng bày Tretyakov.

Lubok

Lubok (số nhiều Lubki, Chữ Kirin Nga: лубо́к, лубо́чная картинка) là một thể loại tranh in phổ biến ở Nga, với đặc điểm họa tiết đơn giản và nội dung lấy từ văn học, truyện tôn giáo và các truyện phổ thông. Bản in Lubok được dùng để trang trí nhà cửa và quán trọ. Các bản tranh đầu tiên xuất hiện từ cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 là tranh khắc gỗ, sau đó đến kỹ thuật trạm trổ và khắc axit, và từ giữa thế kỷ 19 là tranh in thạch bản. Thỉnh thoảng loại tranh này xuất hiện theo chuỗi, từ đó có thể coi giống như tổ tiên của truyện tranh hiện đại. Các cuốn sách rẻ tiền và đơn giản, chứa hầu hết toàn tranh, được gọi là văn học lubok (chữ Kirin Nga: лубочная литература). Cả tranh và văn học [loại này] thường được gọi chung là lubki. Từ lubok trong tiếng Nga bắt nguồn từ lub - một loại bảng dùng để in tranh lên.

Tranh theo trường phái cổ điển

Học viện Nghệ thuật Nga thành lập năm 1757 với mục tiêu đưa họa sĩ Nga lên tầm quốc tế. Các họa sĩ tranh chân dung tiêu biểu xuất thân từ Học viện này gồm có Argunov, Fyodor Rokotov, Dmitry Levitzky, và Vladimir Borovikovsky.

Đầu thế kỷ 19, khi trường phái tân cổ điển và trường phái lãng mạn nở rộ, các họa sĩ theo phái hàn lâm kinh viện tập trung sáng tác theo chủ đề thần thoại và Kinh thánh, như Karl Briullov và Alexander Ivanov.

Tranh theo trường phái hiện thực

Bức tranh "Trong sự yên tĩnh vĩnh cửu" của họa sĩ Isaac Levitan, năm 1894.

Trường phái hiện thực bắt đầu chiếm ưu thế áp đảo trong thế kỷ 19. Những họa sĩ theo trường phái này tìm kiếm bản sắc Nga từ phong cảnh sông hồ, rừng rậm và rừng bạch dương, cũng như phong cảnh tràn đầy sinh lực và các bức tranh chân dung người cùng thời đầy mạnh mẽ. Các họa sĩ khác tập trung phê phán xã hội, chỉ ra điều kiện sống của người nghèo và biếm họa giới cầm quyền. Phái hiện thực phê phán phát triển mạnh dưới thời Alexander II, thể hiện qua việc các họa sĩ tái hiện vòng xoay thống khổ của con người. Số khác tập trung khai thác những giây phút quan trọng trong lịch sử nước Nga. Nhóm họa sĩ Peredvizhniki (Những người lang thang), tuyệt giao với Học viện Nghệ thuật, khởi xướng trường phái nghệ thuật thoát khỏi những giới hạn của hội họa hàn lâm. Các nhân vật hàng đầu của nhóm là Ivan Shishkin, Arkhip Kuindzhi, Ivan Kramskoi, Vasily Polenov, Isaac Levitan, Vasily Surikov, Viktor Vasnetsov và Ilya Repin.

Bước sang thế kỷ 20 và trở về sau, nhiều họa sĩ Nga phát triển phong cách độc đáo riêng, chẳng hiện thực mà cũng chẳng tiên phong phá cách. Boris Kustodiev, Kuzma Petrov-Vodkin, Mikhail Vrubel và Nicholas Roerich là những người như vậy. Nhiều tác phẩm của nhóm họa sĩ Peredvizhniki được các nhà sưu tầm nghệ thuật săn đón ráo riết trong những năm gần đây. Phiên đấu giá nghệ thuật Nga tại Tuần lễ Nghệ thuật Nga ở London ghi nhận nhu cầu tăng trưởng mạnh, nhiều tác phẩm được bán với mức giá kỷ lục.

Những nhà tiên phong Nga

Những nhà tiên phong (avant-garde) Nga là một thuật ngữ bao trùm, sử dụng để xác định làn sóng nghệ thuật hiện đại có sức ảnh hưởng lớn, đã phát triển ở nước Nga khoảng từ năm 1890 đến năm 1930. Thuật ngữ này bao hàm nhiều trào lưu nghệ thuật riêng biệt, nhưng gắn bó chặt chẽ với nhau, xảy ra ở cùng một thời điểm, lần lượt là trường phái Tân nguyên sơ (neo-primitivism), trường phái Tuyệt đỉnh (suprematism), trường phái Kiến tạo (constructivism), và trường phái Vị lai (futurism). El Lissitzky, Kazimir Malevich, Wassily Kandinsky, Vladimir Tatlin, Alexander Rodchenko, Pavel Filonov và Marc Chagall là các họa sĩ tiêu biểu của thời kỳ này. Những nhà tiên phong Nga đạt tới đỉnh cao sáng tạo và danh tiếng vào giữa những năm Cách mạng Nga (năm 1917) và năm 1932 - thời điểm những ý tưởng cách mạng của các nhà tiên phong xung đột với đường hướng bảo thủ của hiện thực xã hội chủ nghĩa vừa mới nổi lên.

Trong thế kỷ 20, nhiều họa sĩ Nga tạo dựng sự nghiệp ở Tây Âu vì sau Cách mạng họ buộc phải di cư. Wassily Kandinsky, Marc Chagall, Naum Gabo cùng nhiều người khác truyền bá ý tưởng, tác phẩm và ảnh hưởng của nghệ thuật Nga ra toàn cầu.

Mỹ thuật Xô viết

Thời Cách mạng Nga, một phong trào ra đời nhằm đưa nền mỹ thuật phục vụ cho nền chuyên chính vô sản. Phong trào này khởi phát chỉ vài ngày trước khi Cách mạng Tháng Mười diễn ra, có tên gọi là Proletkult, viết tắt của "Proletarskie kulturno-prosvetitelnye organizatsii" (Các tổ chức Khai sáng và Văn hóa Vô sản). Nhà lý luận tiêu biểu của phong trào này là Alexander Bogdanov. Ban đầu, Narkompros (Ủy ban giáo dục quốc dân, tương đương với Bộ Giáo dục), cũng phụ trách cả mảng mỹ thuật, ủng hộ phong trào Proletkult. Mặc dầu mang màu sắc chủ nghĩa Marx, nhưng nhiều nhà lãnh đạo đảng không ưa Proletkult, vì thế đến năm 1922, phong trào suy yếu đáng kể. Cuối cùng Stalin chấm dứt phong trào vào năm 1932. Giới hạn bất thành văn về những đề tài họa sĩ có thể vẽ được bãi bỏ vào cuối những năm 1980.

Tuy vậy, cuối thời Xô viết, nhiều họa sĩ mang đến sự đổi mới cho hiện thực xã hội chủ nghĩa, đó là Ernst Neizvestny, Ilya Kabakov, Mikhail Shemyakin, Igor Novikov, Erik Bulatov, và Vera Mukhina. Họ ứng dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, từ trường phái Nguyên sơ (primitivism), trường phái Cực thực (hyperrealism), cho đến quái dị và trừu tượng. Những năm 1940, họa sĩ Xô viết sáng tác tác phẩm thể hiện lòng yêu nước mãnh liệt và tinh thần chống phát xít. Sau Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, các nhà điêu khắc Xô viết hoàn thành hàng loạt tượng đài tưởng niệm nạn nhân chiến tranh, với sự trang nghiêm và thận trọng cao độ.